ads

RƯỢU MƠ HƯƠNG TÍCH


Người đời thường truyền khẩu: Rượu mơ Hương Tích, rau sắng chùa Hương. Tôi nghe vậy và biết vậy. Năm chín tuổi, tôi được theo bà ngoại đi đò dọc sông Đáy từ làng Gồ, phủ Quốc quê tôi đến Bến Đục, để viếng cảnh chùa Hương.

Lòng tôi háo hức lắm. Bà ngoại tôi có ngót hai chục cháu nội ngoại kia. Nhưng chỉ duy nhất mỗi mình tôi được theo chân bà đi trẩy hội. Bởi mẹ tôi mất sớm, khi tôi mới được ba bốn tuổi. Từ đó tôi thường được bà ngoại nuôi dưỡng và dĩ nhiên được cưng chiều, được thương yêu hơn những đứa cháu khác. Đi đò dọc mất đứt một đêm, tôi ngủ dúi ngủ dụi trên đò. Khi tỉnh dậy, trước mắt tôi đã là một cái bến ngầu nước, với những con đò chờ khách đậu san sát ven bờ và rộn rã tiếng: A-di-đà-Phật, a-di-đà-Phật... của mọi người thay cho lời chào hỏi. Ký ức tuổi thơ tôi về Bến Đục là như vậy.

Bà ngoại bế tôi lên đò để lên chùa Hương. Mùa xuân mưa phùn rắc lay phay. Những dãy núi đá cao chót vót, mây mù bảng lảng trôi. Ở giữa các lèn đá, có thứ cây tựa cây mận quê tôi, quả nhỏ như quả xoan, sai trĩu cành. Tôi thốt kêu, nhiều mận quá! Bà ngoại bảo:
- Mơ chứ không phải mận đâu cháu ạ.

Tôi hỏi:
- Mơ với mận khác nhau như thế nào hả bà?

Bà nói:
- Quả mơ chỉ để ngâm đường ngâm rượu làm thuốc giải nhiệt và chữa đau bụng, còn mận thì người ta ăn luôn quả.

Tôi leo lên mỏm đá giơ tay định vặt lấy một quả mơ xanh ở cành thấp nhất ăn thử xem như thế nào. Bà ngoại giữ lại bảo:
- Của bụt đấy. Đừng có động vào. Của Bụt một đền mười. Bụt vẫn còn cười Bụt chả nhận cho.

Thế là tôi sợ. Ở chùa làng tôi đấy. Đức Ông thiêng lắm. Những đứa xé rào vào vườn chùa ăn trộm mận, trộm vải... đều bị ốm lăn ốm lóc. Thằng bạn tôi chỉ vặt trộm có mỗi túi mận xanh mà ốm rụng cả tóc phải lên chùa sửa lễ mãi mới khỏi.

Buổi trưa, các vãi ngả cơm nắm ra ăn ở sân chùa. Cánh vãi nào xúng xính thì mua thêm chai rượu mơ của nhà chùa, uống lấy chút lộc Phật. Tôi túm áo bà theo chân đến quầy bán rượu. Các cụ kháo nhau, rượu hai mươi năm, rượu mười lăm năm... có hết. Bà ngoại tôi chỉ dám nặn hầu bao mua một chai rượu mới ngâm mơ được dăm năm để đãi bạn. Các bà tấm tắc khen:
- Rượu ngon quá! Ngọt quá! Rượu này là chữa được bách bệnh đây. Uống nhiều hẳn say lử lả chứ chả bỡn.

Tôi còn bé nên không được nhấp thử.

Mãi tới năm 1972, tôi mới may mắn có dịp trở lại chùa Hương - Nam Thiên đệ nhất động. Lúc ấy đã cuối hội. Cái nắng đầu hè bừng cháy gay gắt. Biết chúng tôi là khách văn, khách báo, Hòa thượng Thích Thiện Chân tiếp đón rất thịnh tình. Hòa thượng là người vóc hạc, đức cao vọng trọng, nổi tiếng chân tu ở tỉnh Hà Tây. Học trò theo học đông lắm. Năm đó, Hòa thượng đã ở tuổi thất thập cổ lai hy. Trong bữa cơm chay nhẹ nhàng, tinh khiết, Hòa thượng đem rượu mơ đãi chúng tôi. Tôi nhắc lại kỷ niệm lần đầu tiên đi hội chùa Hương với bà ngoại. Tôi đã thấy cả rừng mơ trên sườn núi thấp thoáng trong lãng đãng mưa xuân và chai rượu mơ bé nhỏ mà bà ngoại tôi mua đãi bạn vãi. Hòa thượng cười tủm tỉm:
- Bây giờ ông có còn thấy rừng mơ nữa không?

Tôi lắc đầu thưa:
- Bạch cụ, bây giờ quang quẻ quá. Tại sao nhà chùa lại chặt đi ạ?

Hòa thượng chắp tay trước ngực:
- A-di-đà-Phật! Nhà chùa không hề chặt một cây mơ nào. Thời điểm ông đến đây hẳn còn đang kháng chiến chống Pháp. Lúc đó nhà chùa có hàng chục chum rượu ngâm mơ đặt trong hang núi. Nhà chùa không chỉ có rượu ngâm mơ hăm nhăm năm mà năm mươi năm cũng có kia. Nhưng rồi hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hạt gạo chia ba, chia tư cho miền Bắc, miền Nam, cho cả bạn Lào và Cam-pu-chia. Dân ăn chả đủ còn ai nghĩ tới mơ, tới rượu nữa. Cái ăn thiếu, cái đun thiếu, thế là người ta cứ chặt dần chặt mòn những cây mơ làm củi. Cảnh chùa, cảnh núi trở nên quang quẻ, vắng lặng. Rồi trẻ con, người lớn vào hang lấy chum. Mơ không còn, rượu không có, chum còn để làm gì nữa.

Tôi chắp hai tay trước ngực, kính cẩn hỏi:
- Bạch cụ có phải rượu mơ chữa được bách bệnh không ạ?

Hòa thượng tủm tỉm hỏi lại:
- Ai nói với ông như vậy?

Tôi nhắc lại thời trẻ con. Theo lời Hòa thượng, người ta quý rượu mơ, đồn đại vậy thôi. Chả có thứ thuốc nào, thứ rượu nào chữa được bách bệnh cả. Rượu mơ chuyên về chữa bệnh đường ruột. Người bị đại tràng rất nên uống rượu mơ, mỗi bữa một ly nhỏ. Sở dĩ người ta phải ngâm mơ vào rượu càng lâu năm càng tốt. Bởi mơ quý ở hạt, cùi cũng quý nhưng không bằng hạt. Càng ngâm lâu, hạt càng thôi ra. Nhiều người ham mua quả to lại ngâm ngắn ngày, dù ngâm với đường hay với rượu hạt chưa kịp thôi ra thì bỏ hết dược liệu quý đi.

Hòa thượng ôn tồn nói, cây mơ Hương Tích lạ lắm. Cũng là mơ mọc ở núi này nhưng cây mơ phía đông khác cây mơ phía Tây rất nhiều. Cây mơ phía Đông chủ yếu mọc trong hốc đá, lèn đá. Do vậy cây mơ kém ăn nên chóng cội, quả đã nhỏ, hạt to. Cho nên phải ngâm lâu. Càng lâu càng tốt. Cây mơ ở phía Đông được hưởng đặc ân của ánh nắng mặt trời. Ánh mặt trời buổi sáng chiếu vào cây mơ, chiếu vào lèn đá rồi hắt trở lại cây mơ. Bây giờ khoa học người ta gọi ánh mặt trời buổi sáng là tia hồng ngoại. Vậy là cây mơ ở phía Đông luôn luôn được tắm trong tia hồng ngoại. Còn cây mơ ở phía tây mọc thoai thoải xuống vùng đồi. Nó lại hưởng trọn vẹn cái nắng của buổi chiều. Tức hưởng trọn tia tử ngoại. Do đó, hương rượu và vị rượu khác hẳn với quả mơ ở phía đông. Bây giờ nhà chùa mời các ông uống thử mấy loại rượu.

Chú tiểu mang ra mấy chai rượu, có chai ghi rượu gần mười năm, có chai ghi rượu gần ba mươi năm, có chai ghi cả thời gian và địa điểm của quả mơ. Tôi không phải người sành rượu. Mỗi thứ nhấp một tí cho rượu vừa đủ thấm qua chân răng, thấm qua đầu lưỡi rồi lan tỏa ra cơ thể nhưng phân biệt từng loại rượu quả thực là khó.

Tôi thưa với Hòa thượng rằng cái lưỡi tôi chỉ có thể nhận ra một loại rượu. Đó là rượu có mùi thơm dìu dịu, vị hơi ngòn ngọt và thoảng trong vị ngòn ngọt còn có vị chua chua, đăng đắng, chan chát. Có lẽ đây là rượu ngâm lâu năm, quả mơ ở phía Đông. Cái vị chua chua, chan chát, đăng đắng, ngòn ngọt ấy thấm vào đầu lưỡi thì không thể quên, không thể tả. Phải chăng ấy là sự tuyệt hảo của rượu mơ Hương Tích.

Hòa thượng chắp tay trước ngực: Mô phật.

Tác giả: Dương Duy Ngữ
RƯỢU MƠ HƯƠNG TÍCH RƯỢU MƠ HƯƠNG TÍCH Reviewed by Rượu Nếp Bắc on 19:27:00 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.