ads

Bầu rượu



Chúng ta thấy trên nóc Tháp Rùa ở hồ Hoàn kiếm có đựng một chiếc bầu rượu. Trên nóc Ngọ Môn, ở Thái Hòa điện, Thế Miếu, Hưng miếu ở Huế cũng có trang trí những chiếc bầu rượu. Chiếc bầu rượu có một dải lụa mềm mại tô điểm. Nó lại được hai con rồng hoặc hai con cá hóa rồng chầu vào. Chúng ta còn thấy ở nhiều những mái đình, miếu, am, thậm chí cả chùa ở khắp mọi nơi đều đặt chiếc bầu rượu vào vị trí cao nhất. Đên nỗi rồng là biểu tượng cao quý nhất, thiêng liêng nhất đại diện cho vương quyền cũng phải kính cẩn, tôn vinh nó. Mọi người đều gọi bầu rượu đó là bầu rượu thiêng, là bầu nước thiêng vì nó được đặt trên cao nhất và ở chính giữa Việt điện. Mà Việt điện là cả một thế giới u linh, tôn nghiêm, cao cả.

Quả bầu là nguồn gốc, là bụng bà mẹ đẻ ra các tộc người. Huyền thoại xưa kể về chuyện quả bầu đượm màu tâm linh và triết học. Những con người sống trong quả bầu muốn ra với vũ trụ. Họ chen chen chúc quá đỗi làm cho bụng mẹ quả bầu lăn lóc, quằn quại. Qủa bầu đau đẻ. Đầng thiêng liêng hơ nóng một cái dùi rồi chọc vào quả bầu, hình thành một cái lỗ. Thế là tất cả mọi người trong quả bầu chen nhau chạy ra ngoài. Những người ở gần chỗ nóng ra trước, nước ra bị đen sẫm. Những người ra sau trắng hơn…. Và những tộc người ra đời. Sau này, mọi người không bao giờ quên rằng mình được sinh ra từ quả bầu trong bụng mẹ, họ buộc quả bầu bằng một sợi dây thật đẹp (sau này là dải lụa) rồi quàng lên cổ hoặc đeo ngang lưng. Lúc đầu họ đựng nước là thứ cần thiết cho cuộc sống. Sau này yếu tố đó không quan trọng lắm. Họ đựng rượu. Rượu trong bầu là nước thiêng, cho mọi người sức mạnh của trời đất và của mẹ. Rượu để cúng tế thần linh. Phi tửu bất thành lễ. Rượu để uống mà sống.

Quả bầu là vũ trụ, nó thâu chứa tất cả những gì mênh mang to lớn và tinh hoa của trời đất âm dương. Chứa cả mẫu hệ, vương quyền, cha mẹ…Tất cả…

Nước và Rượu trong quả bầu tươi tắm cho con người, cứu vớt con người để con người tồn tại trong sự phồn. Phồn thóc gạo, phồn gái trai…

Với Đạo giáo, quả bầu chứa đựng linh đan là thuốc thần diệu để có trở nên thần tiên. Trước hết là xa lánh cuộc sống bụi bặm, đầy đắng cay  rồi trở nên bất tử theo ý nghĩa vô cùng vi vu, khái quát.

Với Phật giáo, quả bầu là bình rượu, bình nước cam lồ của Phật Bà Quan Âm để cứu các chúng sinh trong bể khổ trầm luân.

Với Khổ giáo, nó là đại diện của Thiên, Địa, Nhân. Nó ca tụng con người là chúa tể của muôn loài, con người dựa vào sức mạnh của quả bầu mà hài hòa với thiên nhiên nên gọi là quả bầu là cái túi càn khôn.

Văn hóa Việt Nam là văn hóa tam giáo đồng lưu nên càng thống nhất với tâm niệm của quả bầu. Qủa bầu là Kim âu ( âu vàng). Ta còn nhớ câu: “ Non sông ngàn thuở vững âu vàng”. Nó chứa sự vận chuyển âm dương, chứa cái phong độ vĩnh hằng của dân tộc. Về sau này, khi công nghệ gốm và sứ phát triển người ta chế tạo ra những quả bầu bằng gốm, sứ. Ngoài có vẽ những hình tượng như rồng, mặt trời, ngọn lửa, phượng, mây ….đầy vẻ tâm linh, ước lệ. Trong đó có gửi gắm những mật mã để người sau giải mã dần.

Những quả bầu thực sự là những quả bầu bằng gốm, sứ ở miền xuôi được đặt trên các bàn thờ tổ tiên, gần các mâm lễ cúng.

Ở Trung Quốc, những nhân vật có danh tiếng, những nhà văn, nhà thơ như: Lã Đồng Tân, Lý Thiết Quai, Lưu Linh, những nhà hiền triết trong rừng trúc: Lý Thái Bạch, Sầm Phu Tử, Đan khâu Sinh …. Bao giờ cũng có bầu rượu bên mình. Ở ta , những Phạm Thái, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà… cũng luôn nhắc đến bầu rượu trong túi thơ.

Vào khoảng 1930-1931, ở mấy làng Kẻ Mơ, Bạch Mai là một trong những quê hương rượu của Việt Nam, người ta có một bài hát nổi tiếng để ca ngợi quả bầu Rượu và Rượu. Nơi đây, họ nấu rượu và bán rượu. Phụ nữ cũng uống rượu chằng kém gì nam giới. Cứ đến ngày 4 thàng giêng, mười sáu cô trinh nữ ăn mặc sặc sỡ, môi son má phấn vừa múa vừa hát. Mỗi cô cầm trong tay một quả bầu Rượu. Họ hát lên:

Tay tinh tay nâng…. Tình bầu rượu…
Ta bớ ru hời….Ta hời ru
Rẻo lắm nếp hoa…Ta cất rượu…
Tay tình tay nâng
Tình bầu rượu
Ta bớ…ru hời
Ta ru hời…rèo lắm nếp mây.

Mỗi quả bầu được buộc thêm một giải lụa mầu ở nơi thắt cổ bồng.

Nhìn thấy quả bầu rượu, người ta nghĩ đến rượu, nghĩ đến ngày xưa, nghĩ đến men của cuộc sống, đến những điều mơ hồ của cội nguồn.

Quả bầu là một trong những nét đẹp của văn hóa Việt Nam .



LÝ KHẮC CUNG
VĂN VẬT ẨM THỰC ĐẤT THĂNG LONG
NXBVĂN HÓA DÂN TỘC, Năm 2004


Bầu rượu Bầu rượu Reviewed by Rượu Nếp Bắc on 17:26:00 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.