ads

Đánh thức thương hiệu rượu cần Hòa Bình


(HBĐT) - Không biết từ bao giờ rượu cần đã có trong đời sống của người Mường Hoà Bình. Đây là một nét văn hóa cộng đồng không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày, trong những dịp cưới hỏi, lễ, tết... Trong bộn bề cuộc sống hiện đại, rượu cần đang dần được đánh thức.

Sinh ra và lớn lên ở đất Mường Vang, bà Bùi Thị Chinh biết làm rượu cần từ nhỏ. Theo chồng ra thành phố lập nghiệp bà vẫn mang theo bí quyết làm rượu. Trong những dịp lễ, tết lại trổ tài để gia đình, bạn bè thưởng thức. Dần thành quen, gia đình bà trở thành nơi tụ họp của nhiều người thích rượu cần và từ đó bà thành lập cơ sở SX-KD rượu cần ngay tại nhà. Từ năm 1993 đến nay, gia đình bà sản xuất rượu cần bán ra thị trường Hoà Bình, Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận khác. Bà Chinh cho biết: Những năm gần đây, nhiều người thích mua rượu cần sử dụng và làm quà trong các dịp tết, nhất là Tết Nguyên đán cổ truyền. Do vậy, sản phẩm bán được năm sau luôn nhiều hơn năm trước. Như năm 2010, cả gia đình làm và bán được 3.000 vò các loại, năm ngoái làm, bán được gần 4.000 vò. Dự định năm nay, gia đình mở rộng sản xuất đáp ứng ngày càng cao của người tiêu dùng. 

Từ nhiều năm nay, gia đình anh Bùi Văn Quý ở xóm Nhót, xã Thanh Hối (Tân Lạc) làm rượu cần để thưởng thức trong các dịp lễ, tết, cưới hỏi hay gia đình có công việc. Do vẫn duy trì cách làm truyền thống nên rượu của gia đình anh ngon, được mọi người khen ngợi. Hai năm trước thấy nhiều người hỏi mua, anh quyết định làm nhiều để bán ra thị trường. Anh Quý cho biết: Năm ngoái, tôi chỉ làm thử 150 vò để bán. Sau khi làm xong, sản phẩm bán hết. Do bận công việc vườn nên không làm tiếp để bán được. Năm ngoái, tôi làm 300 vò cũng bán hết. Tôi định năm tới mở rộng sản xuất tạo việc làm và tăng thu nhập cho gia đình. 

Trong nguyên liệu làm rượu cần thì men là quan trọng nhất. Men quyết định chất lượng rượu có ngon hay không? Men rượu ngon là men truyền thống của người Mường được làm từ 24 nguyên liệu từ ớt, gừng, riềng, lá mít, ổi và nhiều lá  cây rừng như lá mâm xôi, vỏ long não, dây thảo quả rừng, lá lọt núi... trong men lá rừng không bao giờ thiếu là vỏ cây gỗ mun. Vỏ cây mun có tác dụng khử độc rất tốt nên người uống không bị đau đầu và gây độc hại đối với cơ thể. Tuy nhiên, hiện nhiều cơ sở do lợi nhuận không dùng men lá cây. Qua tìm hiểu, hiện duy nhất trên địa bàn có HTX dệt may, thổ cẩm, rượu cần, men lá rừng là cơ sở duy nhất SX loại men này. Bùi Thị Lan Phương, Phó Chủ nhiệm HTX cho biết: Mỗi tháng, chúng tôi sản xuất khoảng 2 tạ men nhưng chỉ đáp ứng phần nào của thị trường. Do vậy, để thương hiệu rượu cần Hoà Bình mang đúng nghĩa cần có nhiều cơ sở sản xuất men hơn nữa. Đồng thời, ý thức của người làm rượu cần được nâng lên. Ngày 23/11/2011, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể rượu cần đặc sản tỉnh Hoà Bình cho Hội SX-KD rượu cần tỉnh Hoà Bình. Theo đó, Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu rượu cần đặc sản tỉnh Hoà Bình cho Hội SX-KD rượu cần tỉnh tại tổ 3, phường Phương Lâm (TPHB). Nhãn hiệu được bảo hộ tập thể không bảo hộ riêng. Màu sắc lô gô nhãn hiệu đỏ, vàng, trắng. 50 hộ SX-KD rượu cần ở TPHB, huyện Lương Sơn, Tân Lạc và Kỳ Sơn được sử dụng lô gô nhãn hiệu sản phẩm tập thể. ông Đỗ Văn Quỳnh, Chủ tịch Hiệp hội rượu cần tỉnh cho biết: Đây là cơ hội để rượu cần vươn xa hơn thị trường trong nước và thế giới. Trong thời gian tới, chúng tôi có những chế tài, ưu đãi riêng với những hộ sản xuất rượu cần trong Hiệp hội nhằm hướng tới sản xuất rượu ngày càng chất lượng mang đúng nghĩa với thương hiệu rượu cần Hoà Bình.

Việt Lâm
Đánh thức thương hiệu rượu cần Hòa Bình Đánh thức thương hiệu rượu cần Hòa Bình Reviewed by Rượu Nếp Bắc on 15:21:00 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.