Rượu đế Gò Đen - nguồn gốc và pha chế
Thời Pháp thuộc, thực dân độc quyền sản xuất rượu “phông ten” (fontaine) tức rượu ty và cấm dân không được nấu rượu để tiêu thụ rượu của chúng bán.
Rượu ty dở, toàn cồn nên dân vẫn nấu rượu lậu ngay trong đám đế hoặc nấu xong rồi cho vô bong bóng heo, bong bóng trâu giấu vô đám đế, chờ mang đi bán lén. Tây đoan mà tóm được coi như tù rục xương. Từ đó tên rượu Đế ra đời với một quá trình lịch sử của ẩn lậu, dấu diếm, lủi trốn và lo sợ.
Cây đế tuyệt tích nhưng danh tiếng rượu đế Gò Đen vẫn còn tồn tại; “Ăn nem Thủ Đức, uống rượu Bến Lức, Gò Đen”.
Đế Gò Đen nấu thuần bằng nếp. Nếp nấu rượu phải có hạt tròn, mẩy, trắng đục đều, có hương thơm nên thường chọn loại nếp hương, nếp ngỗng để nấu. Nếp nấu vừa nở, không nhão, khét lại càng cấm kỵ. Gò Đen không sản xuất men rượu mà lấy men Cần Giuộc, men Mỹ Tho . . . hoặc men Xiêm để ủ nếp. Men rượu đa số do người Hoa sản xuất, công thức bí truyền. Các vị thuốc được gia giảm tùy theo thời tiết “tứ thời bát tiết”. Nếp được trải ra cho nguội, men được giã nhỏ rắc đều lên nếp, cho vô khạp sành để ủ. Quá trình ủ kéo dài trong ba ngày. Ngày thứ tư dùng nước mưa hoặc nước ao (tùy mùa) lắng sạch cho vô khạp, nước vô đến đâu thì nếp đã lên men nổi hẳn lên đến đó. Đáy khạp không còn một hạt nếp. Nếu còn thì do nếp có lẫn gạo hoặc nếp không “chín”. Ủ thêm ba ngày. Đến ngày thứ bảy thì cất rượu. Dụng cụ cất rượu là hai cái thau nhôm úp lại tạo thành một cái “ơ” có đèo bằng ống tre. Cuối đèo đặt chai để hứng rượu. Chất đốt dùng để nấu rượu thường là trấu.
Do cất rượu lậu nên mỗi lần ủ cất chỉ là 1/4 giá nếp tức 10 lít nếp. Gọi là một kháp hay một ơ. Trong tiết trời thuận lợi trước tết. Một kháp thu được 4 chai nước biển và một xị tạo thành 5 lít rượu trong như nước mưa, nồng độ gần chính xác là 53 – 54 độ .
Trong mùa nực giông (trước mùa) rượu bị “thất”, thu hồi được ít hơn. Từ chai thứ năm gọi là rượu bào hay rượu ngon, thường thì không lấy quá nửa chai thứ sáu vì đục và nhạt, có thể dùng để pha lẫn với rượu ngon để thành rượu ngang có nồng độ thấp khoảng 45 độ giá rẻ hơn dành cho người ít tiền.
Để trong chai trong vài ngày nồng độ rượu có thể giảm từ một tới hai độ nhưng sau đó không giảm thêm nữa.
Dân Gò Đen pha và thử rượu như sau :
1 - Lấy ba chai đầu pha chung, nồng độ lên đến 57 độ. Lắc chai rượu nổi bọt bằng mút đũa, phân thành ba tầng, chậm tan.
2 - Lấy bốn chai đầu thêm một xị của chai năm pha chung, nồng độ lên đến 53 – 54 độ. Lắc chai, rượu nổi bọt nhỏ bằng đầu móc tai, cũng phân ba tầng và chậm tan.
3 - Lấy năm chai rưỡi pha chung, nồng độ tụt xuống còn khoảng 43 – 45 độ, rượu nổi bọt bằng mút tay, một tầng, mau tan, rượu đục như nấu bằng gạo.
Muốn trong và tăng nồng độ, người ta phơi nắng, có người nói là cho mủ đu đủ. Người ta cũng còn thử bằng cách nhúng chiếc đũa vào bọt, nếu bọt chạy tuột theo chiếc đũa mà không tan thì đúng là rượu “chiến”. Người sành rượu có cách pha chế độc đáo, lấy bốn chai đầu và một xị của chai năm cộng hai chai của mẻ rượu khác pha chung, nồng độ đến 55 độ, cho vào hũ sành gắn lại bằng mát-tít đem ngâm xuống ao nước 100 ngày. Rượu rót vào ly nghe tiếng “thánh thót” trong vắt như nước mưa, nhấp “nghe” hậu ngọt mà êm, ngon tuyệt !
Cũng có người cầu kỳ cứ một khạp nếp (10 lít) thêm 1 lít đậu xanh (nấu riêng, ủ riêng nhưng cất chung) rượu thơm lừng nhưng rất khó nấu vì dễ bị đục, nay hình như thất truyền.
Rượu đựng trong hũ sành là “đúng điệu” nhất, hoặc trong các hũ chai thủy tinh có màu sẫm. Ngày xưa thiếu hũ và chai ,người ta phải đựng rượu trong bong bóng heo nên rượu dễ bị giảm nồng độ và có mùi tanh.
Ngày nay rượu đều có pha cồn hoặc nhiều hoặc ít, hiếm tìm được rượu nguyên chất trừ khi quen nơi cất rượu và tin nhau, nhưng cũng phải đặt trước. Chính cái kiểu kinh doanh mê lợi nhuận vô lương tâm này đã và đang làm phương hại đến "thanh danh" của loại mỹ tửu mang tên Gò Đen. Trên thị trường vì thế đang có hai loại đế Gò Đen : Gò Đen thứ thiệt và Gò Đen dzỏm, chỉ có người sành điệu ẩm thực mới không tiếc công và tiền tìm đến và phân biệt rõ ràng đâu là Gò Đen chính gốc !
(Theo “văn hóa ẩm thực Việt Nam - các món ăn miền Nam” - Mai Khôi)
Rượu đế Gò Đen - nguồn gốc và pha chế
Reviewed by Rượu Nếp Bắc
on
20:53:00
Rating:
Không có nhận xét nào: