ads

Ngẩn ngơ Quốc tửu

Trên đất nước mình, có không biết bao nhiêu loại rượu ngon. Đồng bằng Bắc bộ có rượu Làng Vân, chắc vì xưa rượu này chuyên dành cho khách tao nhân, sỹ tử nên rượu trong ngần, uống êm say mà cái hậu vị thấm lâu, dâng tràn, y như sự chiêm nghiệm nhân thế mà rồi bột phát thành thơ văn vậy. Miền Trung đất võ Bình Định có Bầu Đá, rượu này uống phải mang cả cái phong thái lính thú hay chí ít cũng phải là giang hồ hảo hán mới đã.Nam Bộ có rượu Đế Gò đen...

Rượu theo chất người khai phá vừa cởi mở hào phóng vừa chí tình thân thiết. Cầm chén rượu ta như thấy cả cái khí phách anh Hai Nam Bộ, chỉ vui là uống mà không biết đâu điểm dừng. Tại các vùng  dân tộc thiểu số cũng có rất nhiều loại rượu ngon nổi tiếng: Lào Cai có rượu Sán lùng, Lạng Sơn có rượu Mẫu Sơn, Hòa Bình có rượu cần... Món nào cũng tuyệt, uống trên cái khí đá lạnh cheo leo, mà nhắm với cá suối nướng, với thắng cố; uống giữa chợ phiên dập dìu váy em sặc sỡ thì trên đời này không còn gì thú bằng.

Gớm thay là cái sự rượu. Mấy ngày lang thang trên mạng, vớ được câu hỏi: Quốc tửu của Việt Nam là gì? Đã ai tạo dựng thương hiệu “Quốc tửu” Việt Nam chưa? Ơ cha này hỏi hay nha, đúng là mình xưa nay vần vũ với rượu đã nhiều mà chưa một lần đặt ra cái câu hỏi đó. Người Pháp có Vang Boxdo, người Trung Quốc có Mao Đài, người Nhật có Sake, người Hàn có Shochu, người Mỹ có Wishky... Người Nga có Vodka, toàn là quốc tửu của họ cả. Ở cái dải đất ven bờ biển Đông, ViệtNam này, có không biết bao như thứ rượu ngon, lịch sử lưu truyền có khi tới cả ngàn năm chớ chẳng phải vừa, thế thì kén đâu là Quốc tửu?

“Quốc tửu”

Cái mạch rượu ngàn đời của người Việt là rượu nấu từ gạo, mà rượu ngon nhất phải là loại nấu từ gạo nếp, chẳng phải là cư dân Việt cổ tự thời quốc sơ Văn Lang đã lấy gạo nếp làm lương thực chính đó sao. Cũng cứ lần mò tôi vớ được chai “Quốc tửu” của Anh Đào. Công ty rượu này rõ ra là giàu tham vọng kinh khủng, chả biết mấy ông cất chế thế nào mà đặt tên cho cái món rượu đặc sản của mình là “Quốc tửu”.

Ông chủ doanh nghiệp Vũ Mạnh Hào nói rất thật: “Cái lý đương nhiên thôi, rượu nếp tôi cất từ quê theo đúng công nghệ truyền thống, tinh chế, đóng trong bình có cả nhân sinh quan người Việt, thế chẳng phải là quốc tửu hay sao?” Ông Hào vốn người Kim Sơn vùng đất có loại rượu Kim Sơn nổi tiếng. Hừm thơm lắm là rượu Kim Sơn, loại rượu đã được cả nước biết đến. Chả biết dùng men gì, nước gì mà cất lên thứ rượu ngon đến chừng vậy. Những tay kén rượu thường chọn rượu nấu đúng mùa mà uống. Phải vào vụ mùa (nói theo dân Bắc) mới có loại nếp mùa (Nếp cái Hoa vàng) thơm ngon. Lúa vừa gặt xong, kén lấy hạt nếp no tròn chắc mẩm để đưa vào ủ rượu, nấu rượu. Có câu rằng rượu Kim Sơn danh bất hư truyền quả là không sai chút nào. Ông chủ Công ty Anh Đào cũng là tay sành rượu ghê gớm, ông về quê kén lấy lò rượu ngon, cất ủ đúng kỹ thuật, rồi đem về nhà máy tinh chế. Mà ghê thật, để làm một chai “Quốc tửu” cũng lắm công đoạn, lâu nhất là rượu cất xong lại đem ủ liền hai năm, cho nó “già” đi. Rượu Kim Sơn vốn nồng đượm làm vậy, mà rồi ngâm ủ, đến chừng ấy thời gian thì có phải là để “sầu” cho những tay hay rượu hay không?

Lại nữa vì vốn đã mệnh danh là “quốc tửu” thì rượu không chỉ hương đồng nội, không chỉ có hồn quê bờ lau, bụi chuối nương náu, mà còn có cả nhân sinh quan của người Việt nữa chứ. Cứ truy cho cùng tận, thì cái lu nước vốn đồng hành cùng người Việt cả ngàn năm rồi, cái trống đồng là biểu tượng của cha ông từ thời Văn Lang. Những biểu tượng đó qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân gốm Bát Tràng mà chế tác nên những bình rượu đẹp như một tác phẩm nghệ thuật. Đến thế thì uống “Quốc tửu” Anh Đào có khác chi như thưởng thức cả văn hóa, nhân sinh quan người Việt. Nhưng “Quốc tửu”, có phải là Quốc tửu thật hay không? Ông chủ doanh nghiệp lí sự: “Tôi lấy sự cảm hứng và dưới góc nhìn truyền thống mà gọi chớ còn bao giờ nó được công nhận thực tế thì càng hay”.

Đúng là rượu, cái lý luận nghe cứ  say say mà nồng đậm lạ kỳ.

“Quốc tửu”, đấy là  tôi gọi theo cách gọi của Anh Đào, còn bảo một cách văn vẻ ra thì Anh Đào đã tự đứng ra gánh lấy cái sứ mệnh tạo dựng một thương hiệu “Quốc tửu” cho Việt Nam. “”Quốc tửu” của Anh Đào đã từng được Chính Phủ dùng để tiếp khách, nhiều Bộ ngành đã dùng mang ra nước ngoài làm quà tặng cho bạn bè quốc tế... “Quốc tửu” Anh Đào còn rinh về giải thưởng “Tinh hoa Việt Nam” đầu năm 2009. Ông Vũ Mạnh Hào không dấu sự kỳ vọng của mình: “Khi du khách nước ngoài tới Việt Nam, nếu món quà họ chọn để đem về quê nhà là chai Quốc tửu thì có nghĩa rằng họ yêu thích nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực Việt”.

Thế phải chăng cái Quốc tửu của Anh Đào sẽ chinh phục những tay hay rượu bằng chính cái dư vị thơm nồng, uống tới mềm môi của nó.

Và phong cách người làm rượu

Phong cách doanh nghiệp, hay nói như cho đúng trào lưu hiện nay là văn hóa doanh nghiệp. Có định nghĩa rằng: Mọi thứ còn lại sau khi ta đã quên sạch thì gọi bằng văn hóa, lại có người bảo: Văn hóa doanh nghiệp sẽ là cái làm nên bản sắc riêng, thương hiêu riêng của một doanh nghiệp. Xem thế thì mỗi doanh nghiệp sẽ có một bản sắc văn hóa riêng cho mình và Anh Đào với tư cách một nhà sản xuất rượu sẽ chọn phong cách nào, văn hóa nào?

Người thưởng rượu có cái đạo của người thưởng rượu, chả thế mà có Tiên tửu, Vương tửu với Nhân tửu hay sao? Xem thế thì người làm ra rượu cũng phải có cái phong cách của riêng mình cho hợp với triết lý sống, nhân sinh quan mới đúng. Huống hồ Anh Đào lại có cái kỳ vọng xây dựng Quốc tửu cho Việt Nam kia mà. Ông chủ Anh Đào có hẳn cái nhà máy rượu và đồ uống, có cả trăm cán bộ công nhân viên, thế thì nơi gia chủ đãi đằng bạn bè tri kỷ cũng phải cho xứng tầm mới đã.

Giữa khu công nghiệp Phú Diễn san sát các nhà máy, xí nghiệp, hốt nhiên mọc lên một nhà máy Chế biến thực phẩm Anh Đào, một công viên xanh, lại có cả ao cá, lầu hóng mát, cây trái thì mùa nào thức ấy. Công nhân cứ tới mùa xoài, mùa táo, mùa vải, mùa nhãn...lại có thức dùng, còn ông chủ thì có thể đãi đằng tri kỷ, bạn phương xa của mình ngay ở cái chòi hóng mát ven ao cá nhỏ. Xem thế thì cái hồn quê, phong thái “tri điền” trong ông chủ doanh nghiệp này vẫn sâu đậm vậy. Thử nghĩ xem: chiều mát ngay trong khuôn viên nhà máy, ông chủ có thể bày cây trái “vườn nhà”, cá dưới ao mà làm thức nhậu, đem Long tửu, Quốc tửu ra đãi đằng bạn bè thì thú quá đi chứ.

Uống rượu có nhiều cách, có cái thú uống giữa chốn xô bồ, chân ngồi xếp bằng, tay bốc đồ nhậu, ra dáng anh hùng hảo hán, thế cũng là một lẽ. Trong chốn thanh bình với bạn bè tâm giao, rượu nhà vừa xuất, thức nhắm cùng vườn nhà thế cũng là một cách. Ông chủ của Anh Đào chọn cách này. Cũng vì thế mà ở Anh Đào, từ công nhân tới ông chủ cứ y như một gia đình lớn đang hối hả xây dựng một lối đi riêng và nắm cho bằng được cái cơ hội tạo dựng một thương hiệu Quốc tửu cho Việt Nam.

Nếu cứ nói rằng thế e lại mải mê với rượu và thức nhắm mà quên đi cái trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp. Ông chủ của Công ty Anh Đào là người sáng lập và tài trợ chính của quỹ khuyến học Nguyễn Công Trứ, giải thưởng Nguyễn Công Trứ dành cho học sinh các cấp tại huyện Kim Sơn; Giải thưởng Yết Kiêu bảo trợ cho con em cựu chiến binh lực lượng đặc công nước Hải quân; lại có cả giải thưởng  Anh Đào dành cho con em của cán bộ công nhân viên công ty Anh Đào.

Bản sắc văn hóa riêng của doanh nghiệp làm nên cái thương hiệu mà ở Anh Đào ta thấy rõ. Chẳng phải ngẫu nhiên mà từ một cơ sở sản xuất gia đình, Anh Đào trở thành một thương hiệu mạnh trong làng đồ uống vốn rất nhiều tên tuổi lớn.

Theo Tạp chí Thông tin Đối ngoại Bộ Ngoại giao
Ngẩn ngơ Quốc tửu Ngẩn ngơ Quốc tửu Reviewed by Rượu Nếp Bắc on 18:42:00 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.