ads


Thị trấn Ba Đồn quê mình cách đây hơn 400 năm, trước kỳ Trịnh- Nguyễn phân tranh, chỉ là một cái làng nhỏ ven sông Gianh, tên là làng Phan Long, nổi tiếng rượu ngon. Rượu ở đây có mùi rất đặc trưng là mùi khê nồng, không quen thì khó uống, thậm chí khó chịu, quen rồi đâm  nghiện, uống rượu khác không có cái mùi ấy thì thấy nhạt phèo. Có lẽ vì cái mùi rượu dị biệt ấy mà lính chúa Trịnh thời Trịnh- Nguyễn phân tranh ở các đồn Phù Lưu, Xuân Kiều, Trung Thuần đã không chịu uống rượu nơi nào, thường trốn trại về đây mua rượu, dẫn đến nhiều lộn xộn trong quân ngũ. Người ta đã phải lập ra một cái chợ ngay làng Phan Long cho lính tráng ở ba cái đồn ấy mỗi tháng 3 phiên vào các ngày 1, 11, 21 âm lịch về đây uống rượu, mua rượu, ăn chơi nhảy múa cho khuây khỏa nỗi cực nhọc của chiến tranh, nỗi buồn tủi của người lính xa nhà.  Có rượu ngon tất có bậc quân tử kẻ giàu sang, có bậc quân tử kẻ giàu sang tất có gái đẹp tụ về. Khách thương vì thế không bỏ qua cơ hội làm giàu, họ nhanh chóng biến cái chợ ăn chơi thành chợ hậu cần cho quân chúa Trịnh suốt cả thời kì Trịnh- Nguyễn phân tranh. Chợ nơi đây nổi danh từ đó, nó là cái chợ của ba cái đồn, gọi tắt là chợ Ba Đồn.“Ba Đồn là chợ xưa nay/ Tụ nhân, tụ hóa mười ngày một phiên”. Đến năm 1959, chính quyền định thêm ba phiên nữa vào các ngày 6, 16, 26. Từ đó, Ba Đồn một tháng sáu phiên/ nhớ em dù có hết tiền cũng đi.  Tên chợ nghiễm nhiên trở thành tên của một vùng đất, cái tên làng Phan Long dấn biến mất nhường chỗ cho cái tên Ba Đồn. Cũng vì cái chợ ngày một phát triển trở thành một trong những cái chợ to nhất miền Trung, nên cái làng nhỏ quê mình mới trở thành thị trấn, thị trấn Ba Đồn.

Trích: Chợ Ba Đồn - Quechoa.vn: Nguyễn Quang Lập
Reviewed by Rượu Nếp Bắc on 17:08:00 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.