Chơi tửu phần
Căn hầm cỡ chục mét vuông của ông Nhân bày la liệt những chum choé, bình, lọ thơm lừng tràn ngập mùi rượu. Mùi ẩm mốc lâu năm, mùi đất ngai ngái cũng bất lực chịu sự chinh phục mê hoặc của hương rượu.
Rẽ vào bên trái đại sảnh rồi ngoặt về bên phải, ngoặt tiếp vào cái ngách con con, khách bị chặn lại trước cánh cửa gỗ to sụ, bề thế như một cánh cổng hầm châu Âu thời Trung cổ. Một chiếc then sắt to và cục mịch chốt ngang, nhưng điểm đặc sắc nhất lại nằm ở chiếc khóa hom bằng sắt to đùng với chiếc chìa khóa dài ngoằng như một con dao nhỏ. Một chiếc đai cửa Trung Hoa cỡ trung án ngữ ngay giữa theo kiểu hổ phụ ngậm khuyên đem lại cho cánh cửa cảm giác châu Á, hòa hợp rất tự nhiên với chiếc đầu bò tót to đùng treo bên trên. Tiếng then cửa nghiến ken két vào những chiếc đai sắt rít lên nghe kên tai, để rồi một mùi âm ẩm, ngai ngái ùa vào khứu giác khi cánh cửa rộng mở. Căn hầm cỡ hơn chục mét vuông hiện ra đầy chai lọ, bình choé... thơm lừng tràn ngập mùi rượu. Cả một tổng thể ngây ngất ùa lên quyến rũ. Những tấm nilon vô duyên được trùm một cách kỹ càng lên những bình rượu không sao kìm hãm được sự lan tỏa nồng nàn đến nao lòng của thứ rượu làng Vân hạ thổ đã bay đi gần hết mùi cồn, vị gắt, vị cháy đề còn lại thứ nước óng ả, thấu tận tì vị.
Một ngụm chất lỏng màu hổ phách chạy vào miệng chỉ còn lại vị êm dịu và thơm lừng tuôn thẳng xuống cổ họng, lại thêm từ đáy lưỡi dậy lên vị thơm lựng nồng nồng hao hao của cây rễ khỉ, cộng thêm cái nhìn săm soi, tự hào viên mãn của chủ nhân. "Đây là rượu rắn đã hơn 10 tuổi ngâm với nhựa một loại cây trên đỉnh núi cách mặt biển hơn 1.000m", ông Nhân bắt đầu giới thiệu với An Ninh Thế Giới về một trong hơn 50 loại rượu hạ thổ của mình. Từ đầu những năm 1970, ông con trai trưởng của cụ Lê Đức Thọ thấy cha mình sau những đợt công tác triền miên trên tuyến đường 559 đã tự tay ngâm những bình rượu từ các bài thuốc do bà con dân tộc tặng. Những bình rượu ấy ngày một đầy đặn theo năm tháng và rồi chẳng biết từ khi nào, niềm đam mê và thói quen ấy mặc nhiên nhiễm vào ông Nhân và kết quả là cái tửu phần đầy đặn ấy ra đời hôm nay. Trong đợt cải tạo lại ngôi nhà của mình, ông Nhân đã dành hẳn một căn phòng sát lòng đất rồi mày mò chống ẩm, chống thấm bằng một lớp đất sét dày theo nguyên lý túi dầu, tạo cho bằng được căn hầm để rượu cho riêng mình mà vẫn đảm bảo được sự hạ thổ. Đam mê hơn nữa, không cam chịu chuyện lao ra phố Lãn Ông, Thuốc Bắc nhặt về những thang thuốc đã đóng đủ vị, những nguyên tắc về y lý cũng được ông tham khảo tận tường để tự mình tạo ra những bình rượu độc vị, khi nào uống mới ra tay pha cất. Ông Nhân cũng chẳng kém phần tự hào khi kể rằng nhiều ông bạn rượu của mình sau này ngó qua cái tửu phần ở nhà ông cũng đã về nhà long trọng kiến thiết tửu phần cho riêng mình. Có người cầu kỳ đến mức cẩn trọng lát gạch nhà tắm kín mít cả đáy hầm, đâm ra hỏng bét. Họ không hiểu được rằng thiếu vòng tay mát mẻ, tinh khiết của đất thì sự chuyển hóa men, độc tố, aldehit... của rượu sẽ ngấm đi đâu. Những chai rượu nhiều tuổi tuyệt bích của châu Âu nấu từ đại mạch mang dấu X.O cũng chẳng phải nằm trong những thùng gỗ sồi lưu cữu dưới đất bao nhiêu năm đó sao?
Ngó qua bình thủy tinh đựng nước lọc được dùng tạm làm thứ chuyên rượu rồi cặp ly Tiệp cọc cạch một chiếc vân hoa vàng, một chiếc trắng tinh, khách mới cười cười đùa rằng dường như ông chủ nhất bên trọng, nhất bên khinh. Trong kho của ông Nhân thì vô vàn những bộ ly cổ, rồi rượu thì ngon mà lại nỡ để ông chẳng bà chuộc như thế này. Trong cổ thi, Lý Hạ đã nói màu hổ phách của rượu sẽ càng thêm đậm đà nếu đựng bằng chén ngọc lưu ly. Lý Bạch cũng ca tụng rằng hổ phách sẽ tỏa sáng khi đựng bằng chén ngọc. Ông Nhân chỉ cười nói rằng cái thú chơi của ông chỉ dừng ở mức độ đam mê ngâm tẩm và sưu tầm các vị rượu thuốc chứ đến độ sành điệu thưởng thức rượu thì chưa.
Nhưng nói gì thì nói, về chất lượng rượu của ông Nhân dường như chỉ đứng sau tay nghề chế biến của Hải tiên sinh. Trước khi anh em thân hữu níu áo giang hồ của Hải tiên sinh lại bằng cách lập ra cái quán Tứ Hải ở đường Âu Cơ, Hải tiên sinh đã nổi tiếng trong giới tửu đồ. Tinh thông y lý, phiêu bạt giang hồ, chuyên chữa bệnh cho người, Hải tiên sinh xuất hiện ở đất Hà thành giống như người lữ khách sót lại của thế kỷ trước. Sự hào sảng phiêu bạt của tiên sinh thì khỏi nói và sự kiêu bạc cũng được truyền tụng nhiều, nhất là khi ông tuyên bố từ đôi tay này sẽ không bẽ gãy bất kỳ đôi chân của một con bìm bịp nào nữa thì cái đám đã trót đem thân nghiện thứ nước vàng óng ánh thơm nức đến tận ngóc ngách của mỗi tế bào kia dễ đến phải khóc than mất dăm bận.
Chuyện chơi tửu phần ở Hà Nội dù đã manh nha xuất hiện nhưng vẫn còn lọt thỏm trong vô vàn hỗn độn của cả một trào lưu rượu dân tộc và sự hào nhoáng nhưng đòi hỏi sự tinh tế sành sỏi thật sự của cả một nền văn hóa rượu Tây. Rồi cũng có thể mọi sự hỗn độn sẽ qua đi và sẽ đi vào nề nếp. Những người chơi tửu phần vẫn ước mơ một ngày nào đó, trong ánh nắng thu vàng sẽ ra mắt một hiệp hội các hầm rượu Việt Nam bằng cách cất lên từ đáy một tửu phần nổi tiếng một vò rượu làng Vân lâu năm rồi chắt ra trong sóng sánh hơi men rạn của Bát Tràng...
Việt Báo (Theo-Ngoisao)
Chơi tửu phần
Reviewed by Rượu Nếp Bắc
on
13:53:00
Rating:
Không có nhận xét nào: