ads

Rượu San Lùng


Đã nghe đồn đãi khắp “giang hồ” rằng, xứ Lào Cai có hai thứ danh tửu, là rượu ngô Bắc Hà và rượu mầm thóc San Lùng. Hôm qua, tại phiên chợ Bắc Hà, chúng tôi đã uống rượu ngô bản xứ rồi. Đó là rượu đặc sản cuả người H’Mông, được nấu bằng ngô, trăm phần trăm ngô. Quả nhiên ngon thật, đậm đà, mềm môi mà không mệt, nhưng vẫn chỉ là loại rượu nấu khéo, như rượu sắn, rượu mía nấu khéo, đạt vị mà chưa đạt hương, còn thiêu thiếu cái mùi thơm ngào ngạt buộc phải có mới được xếp hạng danh tửu. Hôm nay, 23.10, chúng tôi làm một cuộc “hành quân” truy tìm gốc rượu San Lùng trên núi cao huyện biên giới Bát Xát.

Tại các nhà hàng, quán nhậu ở Hà Nội và nhiều nơi khác, có một thứ rượu màu nâu vàng được quảng cáo là “danh tửu San Lùng” (có chỗ gọi “Sán Lùng”, có chỗ gọi “Sắn Lùng”…) nấu bằng cao lương đỏ, đặc sản cuả Lào Cai, bán khá đắt, nhưng uống thì chẳng thấy ngon lành gì. Thực tế ấy khiến chúng tôi ngờ rằng cái thứ rượu “San Lùng” đang bán đại trà kia là rượu giả, rượu mạo danh, cũng như những thứ rượu giả khác, giả Lang Vân ở miền Bắc, giả Bàu Đá ở miền Trung, giả Phú Lễ ở miền Nam… Vậy nên, có hai điều chúng tôi phải làm rõ qua chuyến đi này: tên rượu và chất lượng rượu San Lùng.

Người hướng dẫn cuộc “hành quân” cuả chúng tôi tên là Trường, một nhân viên ngành điện lực Lào Cai, từng làm việc nhiều năm tai huyện Bát Xát, rất thông thuộc đường đất nơi đây. Anh Trường cho biết, rượu San Lùng cuả người Dao đỏ chỉ được làm ra tại một điểm thôi, đó là thôn San Lùng, xã Bản Xèo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Thôn San Lùng nằm trên lưng chừng núi San Lùng, tiếng địa phương có nghĩa là Tam Long, ba con rồng. Gọi Sắn Lùng hay Sán Lùng đều sai.

Trung tâm thành phố Lào Cai cách Bản Xèo 31 cây số. Chúng tôi ước tính, cả đi, về, làm việc… mất ba tiếng đồng hồ. Không ngờ, đường xấu quá, lại nhiều dốc cao, chiếc xe Zace một cầu cuả chúng tôi bò ì ạch mất hai giờ mới tới chợ Bản Xèo. Từ đó vào thôn San Lùng còn phải cuốc bộ bốn cây số nữa.



Chúng tôi ghé một nhà dân hỏi thăm đường sá để lượng sức mình xem có thể đi nổi không. Thật tình cờ, nơi chúng tôi ghé vào nguyên là trụ sở cuả Hợp tác xã rượu đặc sản San Lùng vừa bị giải thể cách đây một tuần lễ. Bà Trần Thị Hoa, nguyên chủ nhiệm Hợp tác xã, cho hay rằng, chính bà lập nên cái hợp tác xã này, từ 5 năm nay. Bà vốn là giáo viên dạy tiểu học, nghỉ hưu, hoạt động công tác hội phụ nữ xã. Thấy chị em phụ nữ San Lùng đều nấu được rượu rất ngon mà nhà nào cũng nghèo, bà Hoa cùng mấy người nữa lập ra một đại lý thu gom và phân phối rượu, với pháp nhân là hợp tác xã. Nhờ có tổ chức một cách bài bản, giới thiệu rộng rãi, rượu San Lùng chính hiệu bán được mỗi ngày một nhiều hơn, trung bình được bốn – năm nghìn lít mỗi tháng, thu nhập cuả các gia đình nấu rượu cũng tăng lên, đời sống khấm khá hơn. Rượu San Lùng đã từng tham dự hội chợ triển lãm toàn quốc năm 2003, được tặng huy chương vàng hẳn hoi. Bà Hoa có sáng tác thơ tuyên truyền rượu khá mùi mẫn: ” Tục truyền có tự ngày xưa/ Người Dao ở núi bây giờ Po sen (tên một ngọn núi)/ Ngày lành tháng tốt hiện lên/ Ba rồng xuống hút rượu tiên về trời/ Nơi đây được những người đời/ Đặt San Lùng nhớ ơn trời Tam Long/ Dân bản lấy nước về cùng/ men làm bằng thứ lá rừng linh thiêng/ Thóc nương cùng với cao lương/ Đồ xong men ủ lên hương lạ kì/ Uống tiên tửu khoẻ tức thì/ tiếng thơm truyền tụng bay đi khắp vùng/ Phiêu du với chén San Lùng/ An khang thịnh vượng như rồng gặp mây ”. Nhà thơ Nguyễn Duy xin ngả nón bái phục nữ thi sĩ chủ nhiệm rượu, quả là thơ quảng cáo bậc thầy, ăn đứt nhiều nhà thơ trong Hội Nhà văn quốc gia!

Thật oái oăm, chính quyền địa phương bỗng nhiên áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho rượu San Lùng mức 75%, cộng 10% thuế giá trị gia tăng. Hợp tác xã mua của các hộ dân giá 11.000 đồng/lít rượu, bán ra 12.000 đồng/lít, tổng chi phí và lợi nhuận chỉ nằm trong mức một nghìn đồng mỗi lít rượu. Nếu chịu mức thuế tám mươi lăm phần trăm thế kia thì, mỗi lít rượu phải đội giá lên thành hơn hai mươi nghìn đồng. Không thể bán cho ai được, khi giá thị trường chỉ ở mức mười hai nghìn đồng một lít. Thế là hợp tác xã phải giải thể, hàng nghìn lít rượu cuả bà con tồn đọng và hàng chục hợp đồng cung cấp rượu bị huỷ bỏ. Ai lo cho dân bây giờ?

Chợt nhớ, tờ báo Lào Cai hôm nào vừa đăng bài về vụ công an tỉnh phát hiện và xử lý ba mươi nhà làm rượu giả tại thôn Hoà Lạc, xã Gia Phú, huyện Baỏ Thắng, chuyên pha chế và cung cấp rượu San Lùng với số lượng rất lớn cho khắp mọi miền đất nước.

Câu chuyện thơ rượu lẫn thuế rượu tạm gác lại, để còn phải đi tìm rượu gốc. Chúng tôi nhờ bà Hoa chỉ đường tới một lò rượu San Lùng chính hiệu, và được bà cắt cử ngay ông chồng tên là Thịnh dẫn lối. Ông Thịnh nói, phải đi bộ bốn cây số dốc núi đấy, bác nào không đi nổi thì hãy ngồi đợi tại nơi đậu xe ô tô.

Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn, được mệnh danh là “Trưởng lão Cái bang” vì anh vừa cao tuổi nhất đoàn, bảy mươi hai tuổi, vừa mang nhiều các loại túi nhất đoàn, lại chính là người hăng máu nhất đoàn. Anh băng băng leo lên dốc thẳng đứng mũi ngựa, một lát thì quì xuống bờ đường mà thở hồng hộc. Nhà quay phim Huỳnh Lâm với chiếc máy quay nặng tám kilogam trên vai, vượt lên trước, vừa leo dốc vừa ghi hình phong cảnh núi non trùng điệp đẹp như mơ. Đạo diễn Lê Vũ Hoàng đi cặp kè Huỳnh Lâm, vừa “chỉ đạo nghệ thuật” vừa chụp ảnh lia lịa. Tôi, “thi sĩ lệch lạc”, lạc lè chân héo chân tươi, tuy thở đứt hơi, nhưng vẫn qua mặt được “trưởng lão” Huấn. Không thể tưởng tượng nổi người Dao lại ở cao đến thế, đến nhà lưng núi lại thấy thấp thoáng nhà trên gần đỉnh núi. Cứ tưởng “trưởng lão” Huấn bỏ cuộc, tụt xuống hạ giới rồi, nào ngờ, nghe tiếng xe máy rồ ga rượt lên, “trưởng lão” ngồi co quắp sau xe cười khành khạch. Thì ra, anh Huấn chui vào lán công nhân làm đường nghỉ nhờ, sẵn máy ảnh số chụp loạn xạ, làm quà mấy câu chuyện vui, được một chú nhóc đền ơn đáp nghĩa bằng một cuốc xe máy.

Xe Win 100 cuả Trung Quốc leo núi rất khoẻ. Những thanh niên người Dao chạy xe máy leo đường mòn ngoằn ngoèo lên núi như làm xiếc. Rượu San Lùng từ núi xuống, trước kia đi bằng ngựa, nay đi bằng xe máy. Hầu như nhà nào trong thôn San Lùng này cũng có xe máy. Những con ngựa đứng gõ móng bên cạnh xe máy trong sân nhà trên lưng chừng núi cao, chụp ảnh thật đã. Mười một giờ rưỡi trưa, chúng tôi mới lên tới ngôi nhà đầu tiên trên thôn San Lùng, ở độ cao một nghìn một trăm mét. Nhà đóng cửa. Tới nhà thứ hai, cũng đóng cửa… Đang mùa gặt lúa, mọi người đều ra nương.

Tất cả các nhà trong thôn đều đóng cửa. Ông Thịnh đưa chúng tôi tới nhà người nấu rượu nhiều nhất thôn, tự động mở cửa vào. Chủ nhà tên là Lò Kin Xài, chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bản Xèo vừa đi họp dưới xã về. Dựng xe máy bên đôi ngựa buộc cột hè, ông Xài với vẻ mặt không vui, hỏi chúng tôi từ đâu tới, có việc gì, có giấy giới thiệu của chính quyền không… Sau khi xem chúng tôi xuất trình thẻ nhà báo và trình bày mục đích chuyến đi, ông Xài mới chịu tiếp chuyện và hô con cháu nhóm lửa lò rượu cho quay phim, chụp ảnh mọi công đoạn làm rượu.


                                        Lò rượu San Lùng

Câu chuyện rượu San Lùng đến lúc này mới thật rõ. Rượu nấu bằng thóc nương, trộn với một ít hạt cao lương, khoảng năm phần trăm thôi, ngâm nước và nấu lên như nấu cơm. Khi hạt thóc chín tới, vỏ trấu nứt ra, lộ một vết gạo trắng trông giống như nảy mầm là được. Thóc chín, rỡ ra nong, để nguội, rắc bột men, trộn đều, cho vào thùng ủ. Một hoặc hai ngày sau, tùy theo thời tiết, thóc chín men, thơm mùi cơm rượu, đổ nước suối vào ngâm, một số ngày tùy theo chất men và thời tiết, rồi chưng cất. Cất bằng chảo gang lớn, mỗi mẻ năm mươi cân thóc, cho ra hai mươi lít rượu trong vắt, nặng từ bốn lăm đến năm mươi độ, hoặc hơn…

Qui trình nấu rượu thóc San Lùng không khác nấu rượu gạo, rượu nếp dưới xuôi. Chỉ khác chất nước, chất men và bí quyết, kinh nghiệm. Thóc nương cuả San Lùng. Nước suối núi San Lùng. Men dược thảo cổ truyền của San Lùng. Cách nấu truyền thống của San Lùng. Thế là thành rượu San Lùng thôi. Quẹt diêm đốt ly rượu, lửa xanh biếc huyền aỏ. Nhấm ngụm rượu tê tê, ngòn ngọt đầu lưỡi, và đặc biệt thơm mùi men, ngát hương giông giống như rượu nếp làng Vân.

Bữa trưa, rượu thóc nương với thịt gà vườn núi, ngon đến ối giời ơi, và say nghiêng say ngả. Lâng lâng xuống núi, đã chiều. Chân nam có hơi xẹ chân chiêu. Rượu mạnh, uống nhiều, mà đầu vẫn êm, mà mắt vẫn sáng, quả nhiên “danh bất hư truyền”. Có trong tay một thứ danh tửu thật sự quí như thế, nhưng bà con San Lùng còn phải biêt làm gì nữa để thoát khỏi nghèo khó, cái nghèo khó truyền kiếp của người trên núi cao? Hàng ngàn lít rượu còn tồn đọng sau khi hợp tác xã rượu đặc sản của họ bị giải thể bắt buộc vì áp thuế vẫn đang chất đầy trong góc nhà, biết làm sao bây giờ. Và biết làm sao trong ngày mai?

Lào Cai, đêm 23.10.2006.

Bài và ảnh: Nguyễn Duy
Rượu San Lùng Rượu San Lùng Reviewed by Rượu Nếp Bắc on 08:31:00 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.