ads

Nếu bạn chưa từng uống rượu Mông Pê, tôi khuyên bạn đừng bao giờ tự nhận mình là người sành rượu. So với những loại rượu gạo đắng cổ thường gặp, rượu cần nhàn nhạt dễ uống, rượu Tây nặng đô hay rượu sinh viên nồng nặc cồn thì Mông Pê giống như một chàng lãng tử một chút bụi phủi, một chút khó hiểu nhưng lại vô cùng hấp dẫn và dễ làm người ta phải say mê!

Rượu Mông Pê xuất xứ từ cao nguyên đá Tủa Chùa, dịch sang tiếng Kinh có nghĩa là Người Mông. Có lẽ vì rượu cũng có cái khí chất của người Mông: hào sảng, khoáng đạt và luôn hòa hợp một cách lạ kỳ với thiên nhiên. Khi nghĩ về người Mông, ấn tượng của Hạnh nát tôi không phải là những chàng trai, cô gái tân thời tay nhắn tin di động như múa và cái đầu toàn toan tính hưởng thụ mà là những đứa trẻ đầu trần, trên người độc một tấm áo lấm lem lúc nào cũng nở nụ cười như nắng. Người Mông mắt nhỏ như mắt người Hán có lẽ bởi vì họ hay cười (cười híp mắt đấy thôi!!!). Họ là những thiên tài đi bộ. Trẻ con lên 5 đã có thể theo nhau đi bộ cả chục cây số 1 ngày. Mỗi khi ốp cua trên đường đèo uốn lượn, bạn đừng giật mình khi thấy hàng tốp trẻ con cởi truồng hớn hở dọc theo đường nhựa và cũng đừng bao giờ tự hỏi: Chúng đi từ đâu và sẽ đi về đâu???

Có thể vì là những người có thể chất khỏe mạnh cộng với cuộc sống nghèo khó, lạc hậu nên người Mông coi uống rượu như là một thú vui đệ nhất thiên hạ. Vì thế, họ cũng dồn tâm lực nhiều hơn trong việc nấu rượu cho mình, như ai đó từng nói: Nghề chơi cũng lắm công phu!

Rượu Mông Pê là rượu ngô nhưng không hề giống với thứ rượu ngô mà những người học mót đã nấu. Bí quyết gia truyền thì không có gì là tuyệt kỹ cả, song ngay từ thứ nguyên liệu đầu tiên đã khác người rồi. Ngô chọn nấu rượu Mông Pê phải là thứ ngô nếp đầu mùa, hạt đều tăm tắp. Những cây ngô mọc trên núi đá vôi Tủa Chùa có lẽ vì sinh ra từ cằn cỗi, từ nắng gió mà cũng có hương vị khác thường chăng? Ngô không nấu lên như nếp lật nấu rượu gạo mà phải chưng cách thủy bằng bếp củi, sau đó để nguội rồi mới trộn men. Men rượu Mông Pê không phải là cục men trắng ủ trấu như mình thường thấy mà là hỗn hợp của một số lá cây rừng. Lá gì thì chỉ có Chúa và người Tủa Chùa mới biết được mà thôi. Sau đó ngô được hạ thổ, nghĩa là được ủ ở hố sâu trong lòng đất. Mình không rõ lắm vì sao phải làm vậy, nhưng chắc là để âm dương hòa hợp, để cái động của nắng gió trên núi đá vôi gặp phải cái lạnh, cái tĩnh của lòng đất mà từ đó giao hòa (Y như sự ra đời của Tôn Ngộ Không vậy, hix!)


Ngoài những điểm dị biệt đó, theo mình được biết thì để chưng cất nên một mẻ Mông Pê còn đòi hỏi lắm quy chuẩn khắt khe khác về nguồn nước, dụng cụ... Những cái đó dù không phải là bất di bất dịch song nếu không làm như thế, rượu Mông Pê sẽ không thể có được hương vị và cái chất vốn có của mình.

Một chén rượu Mông Pê đúng chất phải lên màu vàng như mật ong và khi đưa lên uống, hương thơm của nó đủ làm ta say mèm! Bạn hãy thử tưởng tượng, khi nhấp ngụm rượu đầu tiên, đặc biệt là khi bạn đang co ro vì rét, một làn hơi ấm nóng lan ra từ đầu lưỡi của bạn. Uống rượu Mông Pê như uống một thứ khí trời đang sôi lên sùng sục, nóng rực nhưng không hề cháy cổ. Rượu chảy đến đâu biết đến đấy. Và khi đã thấm rượu rồi, hơi nóng mới từ từ lên đầu, lên mặt lâng lâng khó tả. Rượu Mông Pê được xếp vào hàng rượu nặng song không hề khó uống. Người nào tửu lượng khá uống một cốc rượu Mông Pê cũng đủ say, nhưng bạn sẽ không có cảm giác rùng mình, đắng cổ ngay khi nhấp ngụm đầu tiên. Và điều đặc biệt của rượu Mông Pê là nếu lỡ có say, khi tỉnh dậy bạn sẽ không bị nặng đầu. Có thể trong men lá rừng đã chứa một loại dược thảo tự nhiên nào đó giúp cho cơ thể mau chóng hồi phục và lấy lại cân bằng.

Rượu Mông Pê xịn đến người Điện Biên cũng còn khó kiếm. Cũng như dưới Hà Nội, đã có Ông già, Tú béo sẽ xuất hiện ngay sau nó Ông già thật, Ông già xịn, Tú xịn, ... Rượu Mông Pê giả cầy cũng đầy rẫy đủ để đánh lừa những người ít biết thưởng thức. Cũng là rượu ngô song cái đậm đà, nồng nàn của nó không thể và không bao giờ sánh được với rượu ngô Tủa Chùa - thứ rượu của Trời - Đất và cả sự say mê của người làm ra nó.

Lên Tây Bắc, hãy cố một lần được uống Mông Pê, bạn nhé. Uống để biết trên đời này vẫn còn có một thứ có thể làm cho người ta hết buồn, hết giận hờn và thù ghét nhau!
Reviewed by Rượu Nếp Bắc on 08:14:00 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.