ads

Những người sống với thủy thần

                                               Nấu rượu Kim Long

Trong thư tịch cổ để lại thì đất Hải Lăng vốn là dãy rừng ven biển, nhưng sau một cuộc thương hải tang điền của trời đất, cát từ ngoài biển trào lên khuất hết cả cây cối rừng rậm. Dấu vết để lại từ cơn địa chấn hàng triệu năm trước đây là sự có mặt của nhiều cồn cát truông rú bao bọc làng mạc ven biển. Nhiều ao hồ đầm phá mọc đầy cây tràm, cây dứa, chồi, sim… điển hình là tràm Trà Lộc, nơi đã được đầu tư làm khu du lịch sinh thái. Cũng chính ao hồ, những nguồn mạch nước ngầm trầm tích được thanh lọc tự nhiên đã tạo nên nhiều thủy lộ trong văn vắt, đủ sức làm dậy nên một nồng độ có mùi vị cay ngọt cho thứ rượu Kim Long sóng sánh nồng nàn.

Rượu Kim Long từng đánh bạn với bao tửu đồ xuôi ngược giang hồ khắp chốn, để rồi ghi tên mình vào loại danh tửu của nước ta, đúng như sách Đại Nam nhất thống chí ca tụng: "rượu Kim Long, Hải Lăng ngon hơn, có thuế".

Và cũng từ mạch nước ấy cùng với ruộng đồng đã góp phần làm nên cái chất ngọt đậm thơm nưng nức cho con cá tràu trong bát cháo vạc giường Diên Sanh nổi tiếng mà ai từng thưởng thức chắc phải nhớ hoài. Nay Hải Lăng thuộc Quảng Trị cách Thừa Thiên-Huế chỉ một dòng sông Ô Lâu. Dòng Ô Lâu lặng lờ uốn lượn để lại những tình sử dân gian khó phai với hình ảnh cây đa bến cộ con đò khác đưa cùng những ngôi làng Việt cổ có tuổi trên 700 năm. Đó là theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn. Nơi cư trú xa xưa đó đã lưu giữ nền văn hóa làng mãi vang vọng tỏa đầy trong tâm hồn của người dân thời nay. Cái vùng đất nổi tiếng với nhiều sản vật và bao huyền sử tình yêu còn khắc ghi lại trên cỏ cây, một cảnh sắc được tác giả Ô Châu cận lục miêu tả đẹp lạ lùng: "nước trời lấp lánh, hoa nở ngạt ngào, hương bay mười dặm, lá biếc lay động như hài vượt sóng..." như một điều tương thích, oái oăm thay lại là nơi chịu nhiều tai ương khốn khổ nhất trong vùng. Hải Lăng vốn là một vùng trũng, nhiều nơi thấp hơn mặt nước biển cả thước, vì thế hầu như năm nào có lũ lụt ở miền Trung, trên những bản tin thông tấn hàng giờ ấy thì Hải Lăng vẫn được nhắc đến nhiều nhất. Không những thế, có năm cơn đại hồng thủy lại giáng xuống vùng đất này đến hai, ba lần. Do địa hình nhiều truông cát, nước vào dễ mà thoát ra thì khó, nên lũ vào thường vẫn ở lại dai dẳng. Chuyện chết chóc, đói kém, trôi nhà, mất của và nước mắt chảy tràn của người dân vẫn thường xảy ra. Người ta cứ thế đánh trần chống chọi với thủy thần suốt cả đời người, tiếp truyền từ đời này sang đời khác.

Đi cùng với cuộc đấu tranh để tồn tại của con người ở chợ Kẻ Diên ngày xưa, tức Diên Sanh - thị trấn của trung tâm Hải Lăng  ngày nay, có một bài ca dao mà theo một số nhà nghiên cứu đánh giá là hay nhất trong kho tàng văn hóa dân gian của miền Trung được đưa vào sách văn học lớp 10:

Tháng giêng tháng hai.
Tháng ba tháng tư.
Tháng khốn tháng nạn.
Đi vay đi dạm.
Được một quan tiền.
Ra chợ Kẻ Diên.
Mua con gà mái về nuôi.
Hắn đẻ ra mười trứng.
Một trứng ung.
Hai trứng ung.
Ba trứng ung... 
Bảy trứng ung.
Còn lại 3 trứng.
Nở được 3 con.
Con diều tha.
Con quạ bắt.
Con mặt cắt lôi.
Lấy chi đâm lộc nảy chồi.
Lâu ngày cũng qua...
 
Bài này tôi nghe từ mẹ thuở ấu thơ bên võng sau hè, nhưng phải mấy mươi năm sau về lại nơi sinh thành ra nó mới thấy thấm thía nỗi oan khiên đè nặng phận người vùng đất trũng mỗi năm hai mùa lũ. Lũ tiểu mãn tháng 3, tháng 4 âm lịch là lũ trái mùa, nên mới gọi tháng khốn, tháng nạn và cơn lũ từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch, làm mà chẳng có ăn, đến nỗi phải vay mượn mua gà, gà đẻ 10 trứng thì ung thối rồi diều tha, quạ bắt, cắt lôi… Mọi sự toan tính chờ đợi lần lượt mất đi, còn lại chỉ là con số không. Nhưng lạ một điều, trong suốt quá trình sống quá cay cực như thế, con người vẫn luôn nuôi dưỡng và thắp sáng hy vọng. Lấy chi đâm lộc nảy chồi là một thái độ sống đương đầu với khó khăn theo kiểu khốn nhi tri, từ khốn cùng để biết, để ngộ ra chân lý, chính là khát vọng sống lần hồi cũng qua. Cái sức sống cứ tiềm ẩn trong máu thịt để con người vượt qua mọi khó khăn, để địa danh Kẻ Diên, Hải Lăng thành tên trong sử sách và in đậm vào ký ức dân gian… Đứng ở góc độ "nhàn đàm" thì đó cũng là điều đáng bàn sau những cuộc rượu Kim Long bên dòng Ô Lâu vậy.

Hồ Sĩ Bình - Thanh Nien

Cung cấp rượu nếp nguyên chất tại TP.HCM:
Rượu nếp 40 độ = 40.000 VNĐ/Lít;

Rượu nếp 45 độ= 50.000VNĐ/lit;
Rượu nếp 50 độ= 70.000 VNĐ/Lít. 
 Vận chuyển miễn phí tại  Sài Gòn nếu mua từ 10 lít trở lên. Số lượng nhỏ hơn hoặc bạn không ở Sài Gòn vui lòng đến tận nơi lấy hoặc liên hệ.
Họ Và Tên : Lê Ngọc Tuân
Email : ruounep.net@gmail.com
Điện thoại : 0903.797.518
Đc:  46/29 Tam Bình, Phường Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức.
http://ruounep.net
Những người sống với thủy thần Những người sống với thủy thần Reviewed by Rượu Nếp Bắc on 20:43:00 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.