ads

Kết "duyên" rượu Bàu Đá, hũ Gò Sành

Ẩm thực Việt trên bàn tiệc ngoại giao nay được xem như một cách tiếp thị độc đáo hình ảnh Việt Nam. Hẳn nhiên, trên bàn tiệc ấy, không thể thiếu một thứ quốc tửu. Nhà thơ Nguyễn Duy, sau một tháng trời trải nếm đủ loại từ Bàu Đá, làng Vân, rồi Mẫu Sơn… đã kết luận rằng: mỗi xứ có rượu ngon của mình, xứng đưa vào hàng quốc tửu, nhưng "đi khắp thiên hạ rồi chưa thấy loại rượu nào sủi tăm nhiều và vị ngon như rượu Bàu Đá". Nói vậy, thì rượu Bàu Đá xứng đáng liệt vào hạng "quốc tửu" có lẽ không phải bàn cãi nhiều.

Bình gốm Gò Sành trong bộ sưu tập của Vua dầu lửa John D.Rockerfeller (Mỹ). Nguồn: Askasia.org

Nhưng đã nói chuyện đưa quốc tửu trên bàn tiệc thì hẳn phải có cái bình. Đã qua rồi cái thời: Rượu ngon bất luận be sành hay bình cũ rượu mới. Nay thì phải rượu nào bình nấy. Cũng như không thể đem cái anh rượu Tây đựng trong nút lá chuối như quốc lủi. Mỗi xứ đều có rượu ngon của mình. Quả vậy. Nhưng càng hiếm những nơi vừa có rượu ngon, lại vừa sản xuất được những chiếc bình gốm "đôi lứa xứng đôi" với nó. Và điều thú vị là: Bàu Đá là loại rượu được sản xuất kế cận ngay nơi có thể sản xuất ra loại bình xứng danh với nó, bình gốm Gò Sành.

Theo địa giới hiện tại thì những lò sản xuất gốm Gò Sành kể ra cũng chỉ vào loại láng giềng hàng xã với rượu Bàu Đá: bên Nhơn Hòa, bên Nhơn Lộc. Nhưng tính trên không gian thì cùng nằm trên một mạch đất An Nhơn. Mà gốm Gò Sành thì tên tuổi đã vang danh, cả quốc nội và quốc ngoại. Những sản phẩm tinh xảo này từng có mặt trên thị trường gốm sứ thế giới, đến khắp các nước châu Á, sang tận Ai Cập hay Các Vương quốc Ả Rập thống nhất (xin nói ngay đây là kết luận của các học giả Nhật Bản chứ không phải của người trong nhà để mà mẹ hát con khen hay).

Cùng cần nói thêm, rằng những bình, những lọ Gò Sành xưa không biết có được dùng để đựng thứ "nước mắt quê hương" này chưa, chứ như hiện tại thì đã được một nhà sưu tập gốm cổ Chăm ở Quy Nhơn, thử nghiệm. Rượu Bàu Đá đựng trong ché Gò Sành sau một thời gian, lửa của rượu, quyện với lửa ủ trong men gốm ngàn độ, rượu như êm hơn, đằm hơn.

Chỉ tiếc hiện nay, truyền thống gốm Gò Sành đã dứt. Và những bình đựng rượu Bàu Đá trên thị trường, đủ loại, đủ kiểu, chủ yếu được đặt hàng từ các làng nghề phía Bắc, nhưng nhìn chung vẫn không thoát khỏi tầm tư duy "tiểu điền" hơi... quê một chút. Trong khi gốm Gò Sành sắc men trầm, màu nâu sắt, thậm chí men ngọc, men màu.. giản dị tột cùng mà u trầm, thanh khiết. Dáng gốm lại mộc mạc, đậm chất miền Trung. Men ấy, dáng gốm ấy nếu được phục hồi lại, sản xuất lại, ngoài những vật dụng làm lưu niệm, lại có những bình, lọ đựng rượu Bàu Đá, thì nâng tầm cho rượu Bàu Đá. Bình rượu Bàu Đá khi ấy xứng đáng được đưa vào hàng quốc tửu để có mặt trên các bàn tiệc ngoại giao và kể cả xuất khẩu.

Về truyền thống, gốm Bình Định có dòng chảy tiếp nối đến tận đầu thế kỷ XX, đến nay vẫn còn một, hai làng làm nghề, tức là có thợ, có kỹ thuật. Vấn đề chỉ còn là đầu tư để học tập thêm về kỹ thuật, nghiên cứu thêm từ truyền thống. Về giá trị, một thứ rượu đã được thẩm định vào hàng danh tửu đệ nhất nước, đựng trong những chiếc bình gốm mang trong mình truyền thống của dòng gốm nghìn năm, thì không chỉ dùng để uống mà còn để ngắm, để khoe, để tự hào, để thuyết phục về một Bình Định của tôi. Và cứ vậy: Rượu Bàu Đá, hũ Gò Sành/ Cứ lai rai mãi lên đàng làm sao (nhại ý một câu thơ cổ).

Vấn đề còn lại, nói như các ẩm thực gia nọ, thì vẫn là ai chủ trương để làm? Bình Định từng đầu tư kinh phí để làm một đề tài về mẫu mã rượu Bàu Đá, tiêu tốn hàng chục triệu đồng. Sản phẩm ra đời là loại rượu Bàu Đá "tổng hợp" đóng vào bình sứ (đặt từ ngoài Bắc), thiết nghĩ cũng đã đến lúc đầu tư cho một dự án đàng hoàng phục hồi dòng gốm cổ Gò Sành (và không chỉ phục vụ cho rượu). Và, một việc quan trọng nữa là cần khẩn trương cứu nguy cho thương hiệu rượu Bàu Đá. Loại danh tửu này đang trong nguy cơ mai một do bị lạm dụng thương hiệu.

Nam Sơn
Kết "duyên" rượu Bàu Đá, hũ Gò Sành Kết "duyên" rượu Bàu Đá, hũ Gò Sành Reviewed by Rượu Nếp Bắc on 14:05:00 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.