ads

NGHE HÁT DÂN CA SÁN CHÍ, UỐNG RƯỢU KIÊN THÀNH


Đến với Lục Ngạn, để được thưởng thức những sản vật nổi tiếng của địa phương như vải thiều, hồng không hạt, mật ong rừng, mỳ Chũ, được tham quan các di tích lịch sử văn hoá đã có từ lâu đời như đền Hả; đền Cầu Từ; chùa Am Vãi… nhưng có lẽ sẽ là thiếu sót nếu như không về xã Kiên Lao nghe hát dân ca soong hao của đồng bào dân tộc Sán Chí, thưởng thức rượu Kiên Thành và du ngoạn trên hồ Khuôn Thần- một trong những thắng cảnh thiên nhiên đẹp nổi tiếng ở Bắc Giang.

Ông Lâm Minh Sập, người dân tộc Sán Chí, hiện là Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã Kiên Lao giới thiệu với chúng tôi rằng: Dân tộc Sán Chí sống thành từng bản ở Kiên Lao, chiếm tới 70% dân số trong 7 dân tộc anh em cùng sinh sống ở xã. Trong quá trình lao động, họ đã sáng tạo những ca khúc dân ca trữ tình, đằm thắm. Loại hình dân ca này rất phong phú, có sức sống từ lâu đời với các lối hát, như hát ru, hát ví, ngâm thơ, đối đáp nam nữ…thể hiện tình cảm giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Ông Ninh Đại Hải – người dân tộc Sán Chí đã nhiều năm say sưa nghiên cứu dân ca của dân tộc mình và sưu tầm, lưu giữ nhiều lời ca, làn điệu truyền thống cho chúng tôi biết: hát dân ca Sán Chí không có nhạc đệm và có nhiều hình thức như: hát ban ngày (Chục Côộ) - hát giao duyên hay hát ghẹo, hát ban đêm (Cnắng Côộ), hát đám cưới (Cháu Côộ) và hát đổi danh (Zoóng Hôồ). Trong đó, hát “Cnắng Côộ” là loại hình phong phú nhất của dân ca Sán Chí, nên khi nói đến dân ca Sán Chí đồng bào thường gọi theo tên chung là “Cnắng Côộ”.

Sẽ còn gì thú vị bằng được du ngoạn ngắm cảnh hồ Khuôn Thần và nghe hát dân ca Sán Chí. Hồ Khuôn Thần rộng 240ha. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban cho vẻ đẹp thanh bình. Mặt hồ rộng, nước trong xanh quanh năm, không khí thoáng đãng, trong lành mát mẻ, xung quanh hồ là núi, đồi với những rừng thông, vườn vải xanh tốt quanh năm. Lòng hồ có 5 đảo nhỏ được trồng thông xanh có tuổi từ 15-20 năm. Bao bọc quanh Hồ là rừng Khuôn Thần có diện tích khoảng 800 ha. Tại đây, du khách có thể thuê thuyền máy để du ngoạn ngắm cảnh hồ, lên chòi quan sát của kiểm lâm để phóng tầm mắt ngắm toàn cảnh khu vực hồ và những rừng thông xanh mát của Lục Ngạn từ trên cao. Rồi có thể ghé thăm các đảo nổi trên hồ như đảo: tình yêu, đảo hẹn hò, đảo….Nhiều cặp uyên ương cũng đã chọn nơi đây là nơi chụp ảnh kỷ niệm sự kiện trọng đại của cuộc đời…

Sẽ là thiếu sót nếu đến với vùng đất này mà không thưởng thức rượu Kiên Thành.Theo nhiều người thì ngay từ thời vua Lý Nhân Tông, vị quan đem gạch từ Thăng Long về Động Giáp để xây lăng mộ cho Phò mã và Công chúa đã được biếu tặng những hũ “Nùng tửu”. Từ đó, “Nùng Tửu” thường dùng để tiến vua, đó chính là rượu của vùng đất Kiên Thành ngày nay. Xã Kiên Thành giáp ranh với xã Kiên Lao, người dân ở đây chủ yếu là người dân tộc Nùng. Người Nùng vốn thật thà, cởi mở và chân tình, điều này được kiểm chứng khi chúng tôi tiếp xúc với chị Tô Thị Lành để tìm hiểu về cách chưng cất rượu Kiên Thành- thứ rượu thơm, ngon nổi tiếng vùng Luc Ngạn. Chị Lành cởi mở cho biết: Để chưng được rượu Kiên Thành gồm rất nhiều công đoạn công phu từ cách làm men, chọn gạo, ủ cơm đến tưng cất: Men rượu Kiên Thành được làm từ nhiều thứ lá và rễ cây lấy từ trên núi về vò lấy nước ủ men. Loại gạo được chọn nấu rượu cũng phải là loại gạo bao thai hồng không được xay trắng làm mất lớp gạo nức bên ngoài mà chỉ xay cho hết vỏ chấu và nấu thành cơm. Cơm phải được nấu bằng củi chứ không nấu bằng than hay bếp gas và chỉ nấu vừa chín tới, không được cứng cũng không được quá nát. Cơm nấu xong để nguội  rồi mới trộn với men đã xay nhỏ rồi đem hỗn hợp trên cho vào các chum vại sành, sứ ủ khoảng ba, bốn ngày cho đến khi ngấu men sau đó đổ nước vào ngâm khoảng hai, ba  ngày rồi mới đem ra chưng cất thành rượu. Người Nùng ở Kiên Thành vẫn duy trì kiểu nấu rượu truyền thống đó là sử dụng một nồi bằng đồng hoặc nhôm, một chõ nấu rượu, một chiếc chảo bằng gang hoặc nhôm, một mảnh gỗ đục hình con ba ba, một ống nứa và một chiếc chum hoặc can để đựng lấy rượu. Thông thường thì một kg gạo tương ứng với 1 lít ruợu.

 Theo nhiều người thì ngay từ thời vua Lý Nhân Tông, vị quan đem gạch từ Thăng Long về Động Giáp để xây lăng mộ cho Phò mã và Công chúa đã được biếu tặng những hũ “Nùng tửu”. Có lẽ, ai đã một lần đến với Lục Ngạn và được thưởng thức đặc sản rượu Kiên Thành chắc sẽ không bao giờ quên được hương vị của rượu nơi đây. Và cũng chính vì hương vị đặc trưng của núi rừng Lục Ngạn  mà mỗi người chúng tôi tới đây đều mang một vài lít rượu về làm quà cho người thân, âu cũng là một cách quảng bá cho một đặc sản của núi rừng nơi đây.

NGHE HÁT DÂN CA SÁN CHÍ, UỐNG RƯỢU KIÊN THÀNH NGHE HÁT DÂN CA SÁN CHÍ, UỐNG RƯỢU KIÊN THÀNH Reviewed by Rượu Nếp Bắc on 13:38:00 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.